Tính tới tháng 7/2019, Trung Quốc là quốc gia có số lượng Di sản Thế giới nhiều nhất, với tổng số 55 Di sản được công nhận là Di sản Thế giới, trong đó có 37 Di sản Văn hóa, 4 Di sản Hỗn hợp và 14 Di sản Thiên nhiên.
1. Vạn Lí Trường Thành

Tháng 12/1987 và tháng 11/2002, Vạn Lí Trường thành hai lần được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Vạn Lí Trường thành của Trung Quốc là công trình kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử văn minh nhân loại. Công trình được khởi công xây dựng từ hơn 2000 năm trước, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh nối các đoạn tường thành với nhau thành Vạn Lý Trường Thành. Vào thời Hán và Minh. Trường Thành được trùng tu với qui mô lớn. Trường Thành là công trình vĩ đại và là kì quan trong thế giới hiện đại. Cùng với dòng chảy của thời gian, vật còn người mất, dạo bước trên bức Trường thành cổ xưa này, bạn có thể tận mắt chứng kiến sự kì vĩ của công trình nằm vắt trên những đỉnh núi cao mây phủ, cảm nhận tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.
 
2. Quần thể hang động Mạc Cao Đôn Hoàng


Tháng 12/1987, Quần thể hang động Mạc Cao Đôn Hoàng được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Quần thể hang động Mạc Cao còn được gọi là Động Ngàn Phật, nằm ở vách phía đông núi Minh Sa, cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng 25 km về phía đông nam. Di tích bao gồm năm tầng, trải dài 1600 mét theo hướng nam bắc. Được khởi công vào năm 366, quá trình xây dựng kéo dài qua hơn mười triều đại, từ thời kỳ 16 nước đến thời Nguyên, di sản là một quần thể hang đá với qui mô hùng vĩ, nội dung phong phú. Quần thể hang động Mạc Cao hiện còn 492 hang đá, 4500 m2 bích họa, 2400 tượng  màu, 4000 tượng Phi Thiên, 5 kiến trúc gỗ phong cách Đường Tống, hàng ngàn trụ đá điêu khắc hoa sen và gạch hoa lát sàn. Đây được coi là cung điện nghệ thuật tổng hợp sâu rộng trong các lĩnh vực kiến trúc, hội họa và điêu khắc, là kho tàng nghệ thuật Phật giáo có qui mô lớn nhất và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất trên thế giới hiện nay, được mệnh danh là “Viên ngọc của nghệ thuật phương Đông”. Đầu thế kỷ 21, hang Kinh Tạng mới được phát hiện (là hang thứ 17 trong quần thể hang động Mạc Cao), với 5-6 vạn hiện vật, sách kinh và văn bản viết tay từ thế kỷ 4-10 được tìm thấy, đã thu hút sự chú ý của các học giả trong ngoài Trung Quốc, và hình thành bộ môn “Đôn Hoàng học” nổi tiếng.
 
3. Cung điện hoàng gia Minh - Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương

Tháng 12/1987 và tháng 7/2004, Cung điện hoàng gia Minh - Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Cung điện hoàng gia Minh - Thanh bao gồm Cố Cung Bắc Kinh và Cố Cung Thẩm Dương. Cố Cung Bắc Kinh còn được gọi là Tử Cấm Thành, tọa lạc tại trung tâm thành phố Bắc Kinh, là hoàng cung của 24 đời hoàng đế nhà Minh, Thanh Trung Quốc. Công trình được xây dựng năm 1406, cách đây hơn 600 năm. Cố Cung hiện là quần thể kiến trúc gỗ cổ có qui mô lớn nhất và được bảo tồn hoàn hảo nhất trên thế giới, với tổng diện tích 720 ngàn m², diện tích xây dựng 150 ngàn m², gồm hơn 9 ngàn căn phòng, trong đó Điện Thái Hòa (Điện Kim Loan) là nơi tổ chức các nghi lễ lớn và quan trọng như: Lễ đăng quang, Lễ mừng thọ, Lễ xuất binh.... Cố Cung với kiến trúc ngói vàng tường đỏ, cửa vàng cột ngọc, bạch ngọc trạm trổ, cung điện nguy nga tráng lệ, được coi là tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc cổ đại của Trung Quốc. Trong Cố Cung hiện còn lưu giữ hơn một triệu cổ vật và nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá khác. 
 
4. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Tháng 12/1887, Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Nằm cách khu Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây TQ 5 km về phía đông, cách trung tâm thành phố Tây An 36 km, Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là lăng mộ của vua Doanh Chính Tần Thủy Hoàng. Khu di tích chia thành hai phần: Khu vườn và khu an táng, với tổng diện tích 8 km2, bao gồm hai lớp tường thành, bao quanh quả đồi đất đắp nổi cao 55 mét. Đây là lăng mộ hoàng gia đầu tiên, đồng thời cũng là lăng hoàng gia lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Từ năm 1974 tới nay, đã phát hiện 3 khu Binh mã dũng, cách khu lăng mộ 1,5 km về phía đông, khai quật 8000 pho tượng binh lính bằng đất nung và hàng trăm xe ngựa chiến với hàng chục ngàn binh khí. Năm 1980, phía tây khu lăng mộ đã khai quật ra 2 xe ngựa cỡ lớn bằng đồng xanh, điều này thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 8 của thế giới”, hiện Bảo tàng Binh mã dũng số 1, 2, 3 của khu Lăng mộ đã được hoàn thiện và mở cửa đón du khách.
 
5. Di chỉ người vượn Bắc Kinh Chu Khẩu Điếm

Tháng 12/1987, Di chỉ người vượn Bắc Kinh Chu Khẩu Điếm được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di chỉ người vượn Bắc Kinh Chu Khẩu Điếm nằm ở núi Long Cốt, thôn Chu Khẩu Điếm, khu Phòng Sơn, thành phố Bắc Kinh. Di chỉ nổi tiếng với hóa thạch người vượn cổ tương đối hoàn hảo được khai quật vào thập niên 20 thế kỷ trước, đặc biệt việc lần đầu phát hiện hộp sọ hóa thạch vào năm 1929, là minh chứng cho sự tồn tại của người vượn cổ Bắc Kinh, và là dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu sự xuất hiện của loài người trên trái đất. Tính đến nay, hóa thạch xương người khai quật được bao gồm: 6 hộp sọ, 15 xương hàm, 157 chiếc răng và nhiều xương vụn, đại diện cho 40 cá thể người vượn Bắc Kinh. Việc này đã cung cấp nhưng minh chứng thực tiễn cho việc nghiên cứu sự tiến hóa của sinh vật cũng như sự phát triển văn hóa giai đoạn sơ khai của nhân loại. Nghiên cứu trầm tích văn hóa cho thấy, người vượn Bắc Kinh sinh sống cách đây khoảng 200-700 ngàn năm, kích thước não trung bình 1088ml (người hiện đại 1400ml). Theo ước tính, chiều cao trung bình của người vượn Bắc Kinh là 156cm (nam), 150cm (nữ). Người vượn Bắc Kinh thuộc thời kì đồ đá, phương thức gia công đồ đá thời bấy giờ chủ yếu là ghè, dùng búa đập, và đôi lúc dùng khoan. Người vượn Bắc Kinh còn là cộng đồng người cổ dùng lửa sớm nhất, có khả năng săn bắt thú lớn. Tuổi thọ của người vượn Bắc Kinh tương đối ngắn, theo thống kê, 68.2% cá thể chết trước 14 tuổi, tỉ lệ cá thể sống trên 50 tuổi chưa tới 4.5%. Năm 1930, trên đỉnh núi Long Cốt đã khai quật được hóa thạch người vượn cổ sống cách đây khoảng 200 ngàn năm, được mệnh danh là “Hang người vượn cổ”. Năm 1973, lại phát ra “Hang người vượn mới” có niên đại nằm giữa hai thời kì trên, điều này cho thấy sự tiến hóa và phát triển của người vượn Bắc Kinh.
 
6. Thái Sơn

Tháng 12/1987, Thái Sơn được công nhận là Di sản Hỗn hợp Thế giới.
Thái Sơn nằm ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, còn có tên gọi khác là Đại Sơn, Đại Tông. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, hòa quện với ngàn năm văn hóa tâm linh và cảnh quan nhân văn độc đáo, được mệnh danh là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa tâm linh Trung Hoa. Thái Sơn không chỉ có giá trị khoa học tự nhiên nổi bật, mà còn có giá trị thẩm mĩ và văn hóa lịch sử phổ biển nổi bật toàn cầu, là ngọn núi diệu kì có sự kết hợp giữa khoa học tự nhiên với giá trị văn hóa lịch sử.
 
7. Hoàng Sơn

Tháng 12/1990, Hoàng Sơn được công nhận là Di sản Hỗn hợp Thế giới.
Hoàng Sơn nằm ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, là một trong những thắng cảnh núi non nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Cảnh núi hùng vĩ nên thơ, đỉnh núi chính có tên Liên Hoa, cao 1860 mét so với mực nước biển. Hoàng Sơn nổi tiếng với “Tứ tuyệt”, bao gồm: Gốc thông kỳ dị, Đá tảng độc đáo, Biển mây và Suối khoáng làm mê lòng người. Ai đã từng đặt chân tới Hoàng Sơn, đều nhận định rằng nơi này không thua kém “Ngũ Nhạc”. Dân gian có câu: “Ngũ Nhạc qui lai bất khán Sơn, Hoàng Sơn qui lai bất khán Nhạc” (nếu đã tới Ngũ Nhạc rồi sẽ không cần đi Hoàng Sơn, nếu đã tới Hoàng Sơn rồi thì không cần đi Ngũ Nhạc). Vẻ đẹp của Hoàng Sơn là vẻ đẹp của những đỉnh núi, nơi đây núi đá ngút ngàn, cao tận trời xanh, vách đá dựng đứng bên bờ vực thẳm, vẻ đẹp hùng vĩ ngây ngất lòng người.
 
8. Khu thắng cảnh Hoàng Long

Tháng 12/1992, Khu thắng cảnh Hoàng Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Khu thắng cảnh Hoàng Long nằm ở huyện Tùng Phan, châu tự trị dân tộc Tạng và Khương, Aba, tỉnh Tứ Xuyên, có diện tích 700 km2. Thắng cảnh chính tập trung ở Suối Hoàng Long, với tổng chiều dài khoảng 3,6 km. Suối Hoàng Long với địa hình trầm tích canxi cacbonat, hình thành nên các thửa ruộng bậc thang, uốn lượn giống như một con rồng vàng khổng lồ, nằm vắt dưới chân các đỉnh núi tuyết, thác nước, rừng nguyên sinh và hẻm núi. Khu thắng cảnh Hoàng Long nổi tiếng với phong cảnh các-xtơ độc đáo và cũng được biết đến với hệ động thực vật phong phú. Từ đáy suối Hoàng Long (2000 mét so với mực nước biển) đến đỉnh núi (3800 mét so với mực nước biển), có các hệ thực vật cận nhiệt đới với rừng cây xanh quanh năm xen lẫn với cây lá rộng rụng lá, rừng hỗn hợp cây lá kim và lá rộng, rừng lá kim cận đỉnh núi, rừng cây quán mộc và đồng cỏ. Cảnh quan của vùng núi các-xtơ độc đáo, đồng thời cũng là nơi sinh sống của hàng chục loài động vật quý hiếm như: Gấu trúc, Voọc vàng… đã đem lại sự hấp dẫn cho khu thắng cảnh. Hùng vĩ, mạnh mẽ, diệu kì và hoang dã là đặc trưng của cảnh quan nơi đây, Hoàng Long xứng đáng với tên gọi “Kì quan của thế giới”, “Thiên đường chốn trần gian”!
 
9. Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu

Tháng 12/1992, Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Cửu Trại Câu nằm ở phía bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, diện tích trải rộng trên 720 km2, địa hình núi cao hiểm trở với đỉnh núi có độ cao lên tới 4800 mét, hình thành nên một hệ sinh thái phong phú đa dạng. Những cột đá các-xtơ cao lớn cùng với các dòng thác tung bọt trắng xóa đã tạo nên vẻ hùng vĩ của cảnh quan nơi đây. Cửu Trại Câu hiện là nơi sinh sống của hơn 140 loài chim và nhiều loại động thực vật quý hiếm khác, trong đó có Gấu trúc và Linh Dương sừng xoắn Tứ Xuyên.
 
10. Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên

Tháng 12/1992, Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên thuộc thành phố Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Với tổng diện tích 264 km2. Khu thắng cảnh bao gồm 3 khu  chính: Vườn quốc gia Trương Gia Giới, Động Tỏa Khê và Núi Thiên Tử. Địa hình chủ yếu là rừng đá sa thạch, với 3103 cột đá sừng sững giữa trời, cùng nhiều khe suối và thác nước tung bọt trắng xóa giữa rừng xanh hoang sơ bao la. Nơi đây, diện tích che phủ của rừng tới 85%, thảm thực vật bao phủ tới 99% diện tích, trong đó có hơn 3000 loài thực vật trung cao cấp, hơn 700 loài kiều mộc và hơn 450 loài hoa tự nhiên. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống của 116 loài động vật thuộc 50 chi họ động vật có xương sống trên đất liền. Hệ thống hang động nhũ đá phong phú đa dạng, theo khảo sát sơ bộ, động Hoàng Long được phát hiện có chiều dài 11km. Nhắc tới Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên, du khách sẽ nghĩ ngay tới “Ngũ tuyệt”, bao gồm: Kì phong, Quái thạch, U cốc, Tú thủy và Động đá.
 
11. Quần thể kiến trúc lịch sử cung điện Potala tại Lhasa

Tháng 12/1994, 11/2000 và 12/2001, Di sản được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Quần thể kiến trúc lịch sử cung điện Potala toạ lạc trên núi Mabri, là quần thể kiến trúc cung điện nổi tiếng thế giới, là tinh hoa nghệ thuật kiến trúc cổ của dân tộc Tạng Trung Quốc. Được xây dựng vào thể kỉ thứ 7, đây là công trình kiến trúc được vua Tạng, Songtsen Gampo xây dành tặng Văn Thành công chúa nhà Đường được gả tới Tây Tạng. Cung điện với tổng diện tích 0,41 km2, kiến trúc tòa tháp chính được làm từ đá và gỗ gồm 13 tầng, cao 115 mét, 5 đỉnh tháp của cung điện được làm từ đồng mạ vàng, xa hoa rực rỡ, nguy nga tráng lệ. Cung điện Potala bao gồm 2 phần: Hồng Cung và Bạch Cung. Ngay chính giữa là Hồng Cung, được dùng làm nơi cử hành các nghi thức tôn giáo; hai bên cánh là tòa nhà màu trắng có tên gọi Bạch Cung, là nơi sinh hoạt của Đạt Lai Lạt Ma và nơi tổ chức các hoạt động chính trị. Tháng 12/1994, quần thể kiến trúc lịch sử cung điện Potala được công nhận là Di sản Thế giới vì đáp ứng các tiêu chuẩn C1, 4, 6 của Di sản Thế giới. Năm 2000, chùa Đại Chiêu được công nhận là Di sản Thế giới, năm 2001 cung điện mùa hè Norbulingka cũng được ghi tên vào danh sách Di sản Thế giới.
 
12. Tị Thử Sơn Trang

Tháng 12/1994, Tị Thử Sơn Trang được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Tị Thử Sơn Trang Thừa Đức nằm tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, là hành cung mùa hạ của vương triều nhà Thanh. Được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1703 tới năm 1792, đây là quần thể kiến trúc rộng lớn bao gồm hàng loạt cung điện và các công trình xây dựng được dùng làm nơi cử hành chính sự và các nghi lễ quan trọng. Khu đền miếu với phong cách kiến trúc đa dạng cùng hệ thống hồ nước, trang trại, rừng cây thuộc các khu vườn hoàng gia đã tạo nên vẻ đẹp tổng thể cho khu di tích. Tị Thử Sơn Trang không chỉ có giá trị cao về mặt thẩm mĩ, mà còn là nơi mang đậm dấu ấn của một triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.
 
13. Di tích Khổng miếu, Khổng lâm, Khổng phủ

Tháng 12/1994, di tích Khổng miếu, Khổng lâm, Khổng phủ được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di tích Khổng miếu, Khổng lâm, Khổng phủ nằm tại thành phố Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Nơi đây được xây dựng để ghi nhớ công lao của nhà tư tưởng vĩ đại Trung Quốc, người sáng lập Nho giáo – Đức Khổng Tử. Với ý nghĩa văn hóa lớn lao, bề dày lịch sử, qui mô to lớn cùng với hệ thống hiện vật phong phú mang giá trị nghệ thuật, khoa học đặc sắc, tháng 12.1994, di tích Khổng miếu, Khổng lâm, Khổng phủ Khúc Phụ Trung Quốc được công nhận là Di sản Thế giới.
 
14. Quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang

Tháng 12/1994, Quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang nằm tại thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Vào thời cổ đại, núi Võ Đang được mệnh danh là “Thắng cảnh của mọi thắng cảnh, Thiên hạ đệ nhất Tiên Sơn”. Với vị thế quan trọng như vậy, từ hàng ngàn năm nay, nơi đây luôn được coi là ngọn núi thánh, thu hút rất nhiều du khách tới thăm quan chiêm ngưỡng. Quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang là sự kết hợp tuyệt vời của kiến trúc cổ với cảnh quan thiên nhiên, núi non và đền tháp nơi đây dường như hòa quện làm một với nhau. Nơi đây được coi là khu danh thắng nổi tiếng và cũng là nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo quan trọng tại Trung Quốc.    
 
15.  Nga Mi Sơn và Lạc Sơn Đại Phật

Tháng 12/1996, Nga Mi Sơn và Lạc Sơn Đại Phật được công nhận là Di sản Hỗn hợp Thế giới.
Nga Mi Sơn nằm ở thành phố Nga Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, với tổng diện tích lên đến 154 km2, đỉnh núi Vạn Phật cao nhất có độ cao 3099 mét so với mực nước biển, nơi đây được coi là khu danh thắng và kinh đô phật giáo trứ danh của Trung Quốc. Khu thắng cảnh cấp quốc gia mang phong cảnh hùng vĩ của nơi rừng núi
là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và văn hóa phật giáo Trung Quốc. Lạc Sơn Đại Phật còn có tên gọi Lăng Vân Đại Phật, nằm ở bên cạnh chùa Lăng Vân, bờ đông sông Nam Dân, thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, nơi đây cũng là nơi giao thoa của 3 con sông: sông Đại Độ, sông Thanh Y và sông Dân. Đại phật là bức tượng phật Di lặc trong tư thế ngồi, với chiều cao 71 mét, đây là bức tượng được tạc trên núi đá lớn nhất tại Trung Quốc.
 
16. Công viên Quốc gia Lư Sơn

Tháng 12/1996, Công viên Quốc gia Lư Sơn được công nhận là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới.
Công viên Quốc gia Lư Sơn thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, là ngọn núi lớn nằm bên bờ nam con sông lớn nhất Trung Quốc – sông Trường Giang và bên bờ hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - hồ Phàn Dương. Cảnh quan nơi đây là sự kết hợp hài hòa giữa núi cao, sông lớn và hồ rộng, đem đến vẻ đẹp hùng vĩ, diệu kì, choáng ngợp và nên thơ. Văn hóa độc đáo phong phú của Lư Sơn có giá trị nghiên cứu và giá trị thẩm mĩ quan trọng. Với tổng diện tích 302 km2, diện tích vùng đệm bảo vệ lên tới 500 km2, Lư Sơn mang đầy đủ dấu tích của kỉ băng hà thứ 4, với địa mạo phong phú đa dạng bao gồm: sông, hồ, sườn dốc, núi cao… nơi đây được coi là công viên địa chất quan trọng của thế giới.
 
17. Thành cổ Lệ Giang

Tháng 12/1997, Thành cổ Lệ Giang được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Thành cổ Lệ Giang nằm ở phía tây bắc tỉnh Vân Nam, vị trí địa lí 100°14′ kinh tuyến đông,và 26°52 vĩ độ bắc, là thành phố trung tâm thuộc huyện tự trị dân tộc Naxi Lệ Giang, Vân Nam, Trung Quốc. Thành cổ nằm ở trung tâm huyện, ở độ cao 2400 mét so với mực nước biển, bao gồm: phố cổ Đại Nghiên, Bạch Sa, Thúc Hà và đầm Hắc Long. Với phong cảnh nên thơ, lịch sử lâu đời và văn hóa đa dạng, nơi đây được xem như một trong số ít các thành cổ được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh của người dân tộc thiểu số tại Trung Quốc.
 
18. Thành cổ Bình Dao

Tháng 12/1997, Thành cổ Bình Dao được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Thành cổ Bình Dao nằm ở khu vực trung bộ, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một thành phố văn hóa nổi tiếng với hơn 2700 năm lịch sử. Thành cổ được xây dựng từ thời Tây Chu dưới thời Chu Tuyên Vương (827-782TCN), do Đại tướng quân Tây Chu, Doãn Cát Phủ đóng quân nơi đây ra lệnh xây cất. Năm 221TCN, nhà Tần bắt đầu thi hành chế độ “Quận huyện”, thành cổ Bình Dao đã trở thành trụ sở của chính quiền huyện, và được giữ mãi đến bây giờ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thành cổ Bình Dao vẫn giữ nguyên vẹn dáng vẻ của một đô thị cổ đặc trưng của thời Minh, Thanh Trung Quốc. Đến nay, những kiến trúc tường thành, đường sá, dân cư, cửa hàng, đền chùa của khu thành cổ vẫn được bảo tồn hoàn hảo, giữ nguyên cơ bản về cấu trúc và đặc trưng ban đầu. Chấn Quốc Tự và Song Lâm Tự nằm bên ngoài thành cũng là di tích lịch sử của thành cổ Bình Dao.
 
19. Vườn cảnh Tô Châu

Tháng 12/1997 và tháng 11/2000, Vườn cảnh Tô Châu hai lần được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô là thành phố văn hóa lịch sử và du lịch trứ danh của Trung Quốc. Nơi đây được coi là vùng đất sản vật phong phú, anh kiệt địa linh, và là quê hương của những khu vườn cảnh danh tiếng. Các khu vườn cảnh Tô Châu đã tồn tại hơn 2.000 năm, có vị thế và giá trị lịch sử độc đáo trong lịch sử vườn cảnh thế giới. Các khu vườn sử dụng các kỹ thuật tuyệt vời khắc họa phong cảnh núi non, đậm nét tư tưởng văn hóa truyền thống, nhằm thể hiện nghệ thuật làm vườn tinh xảo của phương Đông. Đây xứng đáng là kho báu nghệ thuật của Trung Quốc. Năm 1997, Chuyết Chính Viên, Hoàn Tú Sơn Trang, Lưu Viên, Võng Sư Viên, đại diện tiêu biểu cho Vườn cảnh Tô Châu, đã được công nhận là Di sản Thế giới. Tháng 11 năm 2000, Thương Lãng Đình, Sư Tử Viên, Nghệ Phố, Ngẫu Viên và Thoái Tư Viên cũng được ghi tên vào danh sách Di sản Thế giới.
 
20. Thiên Đàn

Tháng 11/1998, Thiên Đàn được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Nằm ở phía nam của thủ đô Bắc Kinh, Thiên Đàn là nơi các hoàng đế của hai triều Minh, Thanh Trung Quốc tế trời và cầu xin mùa màng bội thu hàng năm. Thiên Đàn được xây dựng vào năm thứ 18 đời Minh Vĩnh Lạc (1420), cùng thời gian với Tử Cấm Thành. Với tổng diện tích 2,7 triệu m2, Thiên Đàn được chia thành hai phần: Nội Đàn và Ngoại Đàn, các công trình kiến trúc chủ yếu nằm ở Nội Đàn. Phía nam bao gồm Viên Khâu Đàn, Hoàng Khung Vũ; phía bắc có Kì Niên Điện, Hoàng Càn Điện, hai phần được nối với nhau bởi một dãy hàng lang cao 2.5 mét, rộng 28 mét, dài 360 mét. Từ cách bài trí kiến trúc đến từng chi tiết trong thiết kế tổng thể của Thiên Đàn đều nhấn mạnh tới khái niệm “Thiên (Trời)”. Dãy hành lang cao trên mặt đất, dài hơn 300 mét còn được gọi là Đại lộ Hải Mạn, gửi gắm ý tưởng người xưa lấy hình ảnh tới Thiên Đàn tế trời giống như việc từ trần gian lên trời, vô cùng xa xôi cách trở.
 
21. Di Hòa viên

Tháng 11/1998, Di Hòa Viên được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di Hòa Viên nằm ở khu Hải Điện, dưới chân núi Tây, thuộc ngoại ô phía tây thành phố Bắc Kinh. Phong cảnh núi non nơi đây đẹp như tranh vẽ với những con suối chảy róc rách, những đỉnh núi xanh bất tận. Từ thế kỷ 11, nơi đây đã được chọn làm địa điểm xây dựng các khu vườn hoàng gia. 800 năm sau, vào cuối thời nhà Thanh, tổng diện tích của khu vườn đã lên tới hơn 10 km2, được xem là khu vườn hoàng gia qui mô lớn hiếm có trên thế giới.
 
22. Quần thể tượng khắc đá Đại Túc

Tháng 12/1999, được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Tượng khắc đá Đại Túc là tên gọi chung của nghệ thuật tạc tượng hang động, chủ yếu là các bức tượng trên vách đá ở khu Đại Túc, thành phố Trùng Khánh. Đại Túc hiện là một quận ngoại ô thành phố Trùng Khánh, thuộc ngoại ô thành phố Trùng Khánh, ra đời vào năm đầu tiên thời Đường Càn Nguyên (758), tên gọi mang ý nghĩa “Đại Phong và Đại Túc (Phong phú và Đủ đầy)”, được coi là quê hương nổi tiếng của nghề chạm khắc đá. Quận Đại Túc có lịch sử phát triển lâu đời, cảnh quan văn hóa và tài nguyên du lịch phong phú. Quần thể tượng khắc đá Đại Túc có qui mô lớn, kĩ thuật điêu khắc tinh xảo, nội dung đa dạng phong phú với 75 khu bảo tồn tượng đá, hơn 50  ngàn bức tượng và hơn 10 ngàn chữ khắc trên đá. Di sản có giá trị lịch sử, khoa học và nghệ thuật cao, có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc hang động Trung Quốc cổ đại, được giới học giả trong ngoài TQ đánh giá là viên ngọc nghệ thuật phương Đông diệu kì, là kiệt tác nghệ thuật và là kho báu độc đáo của Di sản Văn hóa Thế giới.
 
23. Khu thắng cảnh Vũ Di Sơn

Tháng 12/1999 và tháng 7/2017, Khu thắng cảnh Vũ Di Sơn hai lần được công nhận là Di sản Hỗn hợp Thế giới.
Khu thắng cảnh Vũ Di Sơn, là di sản hỗn hợp thế giới, nằm ở thành phố Vũ Di Sơn, phía tây bắc tỉnh Phúc Kiến, giáp với tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Vũ Di Sơn là khu bảo tồn đa dạng sinh học nổi tiếng nhất ở đông nam Trung Quốc. Đây cũng là nơi sinh trưởng của một số lượng lớn các loài thực vật quí hiếm, không ít loài chỉ có riêng tại Trung Quốc. Hẻm núi hai bên Cửu Khúc Khê phong cảnh tuyệt đẹp với nhiều đền chùa, tuy nhiên một số đã không còn nguyên vẹn. Nơi đây cũng là nguồn tư liệu lí tưởng cho việc nghiên cứu sự phát triển và truyền bá học thuyết Lí giáo thời nhà Đường, Tống Trung Quốc. Từ thế kỷ 11, học thuyết Lí giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa các quốc gia trong khu vực Đông Á. Vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, nhà Hán đã thành lập một trung tâm hành chính lớn gần Trình Thôn, và xây dựng hệ thống tường thành kiên cố vững chắc bao quanh, có giá trị khảo cổ quan trọng. Năm 2017, thắng cảnh Thiên Sơn thuộc huyện Thiên Sơn, phía bắc Vũ Di Sơn, có diện tích 107,25 km2,  được công nhận là Di sản Thế giới. Dựa vào đặc trưng tài nguyên của từng khu vực, Khu thắng cảnh Vũ Di Sơn được chia thành năm khu vực: Khu đa dạng sinh học phía tây, Khu sinh thái trung tâm Cửu Khúc Khê, Khu cảnh quan Thiên nhiên và Văn hóa phía đông, Di chỉ Vương Thành Mẫn Việt tại Thành Thôn và khu núi Vũ Di Sơn Thiên Sơn Giang Tây.
 
24. Hang đá Long Môn

Tháng 11/2000, Hang đá Long Môn được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Hang đá Long Môn tọa lạc tại phía đông nam thành phố Lạc Dương, trải dài hơn 1 km theo hướng nam bắc, dọc các vách núi bên bờ sông Y Thủy, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Quá trình xây dựng di sản được bắt đầu từ thời Bắc Ngụy và kéo dài suốt hơn 400 năm. Hiện hệ thống hang đá bao gồm hơn 2300 hang động, với hơn 100 ngàn bức tượng. Đây là một trong những kiến trúc tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Trung Hoa cổ đại.
.
25. Lăng tẩm Hoàng gia Minh - Thanh

Tháng 11/2000, 7/2003, 7/2004, Lăng tẩm Hoàng gia Minh - Thanh được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Minh Hiển Lăng: Minh Hiển Lăng thuộc Thuần Đức Sơn, cách thành phố Chung Tường, tỉnh Hồ Bắc 7,5 km về phía đông. Đây là lăng mộ của Cung Duệ Hoàng đế và Chương Thánh Hoàng Thái Hậu, song thân của hoàng đế Gia Khánh Minh Thế Tông. Lăng được xây vào năm Minh Chính Đức thứ 14 (1519), với diện tích 1,83 km2, đây là lăng mộ duy nhất của nhà Minh ở trung nam Trung Quốc, đồng thời cũng là ngôi mộ đơn lớn nhất trong các triều đại nhà Minh. Minh Hiển Lăng có cấu trúc "Một lăng hai mộ", đây là kiến trúc lăng mộ hoàng gia độc đáo và duy nhất tại Trung Quốc.
Thanh Đông Lăng: Thanh Đông Lăng tọa lạc ở Mã Lan Cốc, cách thành phố Tôn Hóa, tỉnh Hà Bắc 30 km về phía tây bắc, giáp với Bắc Kinh, Thiên Tân, Đường Sơn và Thừa Đức. Lăng nằm ở vị trí cách Bắc Kinh 150 km về phía tây, cách Đường Sơn 100 km về phía nam và cách Thừa Đức 100 km về phía bắc. Trong khu lăng mộ có 580 kiến trúc lớn nhỏ. Thanh Đông Lăng là nơi an nghỉ của năm hoàng đế nhà Thanh: Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong và Đồng Trị, và 161 hoàng hậu, phi tần, trong đó có: Hiếu Trang Hoàng hậu, Từ Hi Thái hậu và Hương Phi. Thanh Đông Lăng được coi là báu vật trong kho tàng văn hóa Trung Quốc thời nhà Thanh.
Thanh Tây Lăng: Thanh Tây Lăng tọa lạc dưới chân núi Vĩnh Ninh, cách Dịch Huyện, tỉnh Hà Bắc 15 km về phía tây, cách Bắc Kinh 120 km về phía tây nam, là một trong những lăng mộ của các hoàng đế triều nhà Thanh Trung Quốc. Di sản nằm ở phía tây của Thanh Đông Lăng thuộc huyện Tôn Hóa, nên còn có tên gọi khác là Tây Lăng. Thanh Tây Lăng là nơi an nghỉ của 4 hoàng đế: Ung Chính, Gia Khánh, Đạo Quang, Quang Tự và 76 hoàng hậu, vương phi, vương gia, công chúa…Quần thể lăng mộ với phong cảnh tú lệ, không gian yên tĩnh, rộng lớn, hoàn chỉnh, bao gồm 14 ngôi mộ, hành cung và chùa Vĩnh Phúc, tiêu biểu cho kiến ​​trúc cổ đại thời nhà Thanh Trung Quốc.
            Quần thể lăng tẩm hoàng gia Minh – Thanh, năm 2003 mở rộng thêm bao gồm Minh Hiếu Lăng, Thập Tam Lăng, năm 2004 mở rộng thêm Thịnh Kinh Tam Lăng (Thanh Vĩnh Lăng, Thanh Phúc Lăng và Thanh Chiếu Lăng).
 
26. Thanh Thành Sơn và Đô Giang Yển

Tháng 11/2000, Thanh Thành Sơn và Đô Giang Yển được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Thanh Thành Sơn , tọa lạc trong Khu thắng cảnh Đô Giang Yển, Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, là kinh đô nổi tiếng của Đạo giáo Trung Quốc. Cái tên Thanh Thành Sơn gắn với những rừng cây cổ thụ ngàn xưa trên những đỉnh núi cao chót vót, thời tiết bốn mùa như xuân. Thanh Thành Sơn  được chia thành: Tiền Sơn và Hậu Sơn. Phong cảnh Tiền Sơn tuyệt vời, với nhiều di tích văn hóa; Hậu Sơn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp và huyền bí như thiên đường chốn trần gian.
Đô Giang Yển nằm trên sông Dân, phía tây đồng bằng Thành Đô, Tứ Xuyên. Công trình được xây dựng vào thời Chiến Quốc, năm 256 trước công nguyên, là công trình thủy lợi qui mô lớn do thái thú Lí Băng, của Thục quận nhà Tần và con trai lãnh đạo nhân dân xây dựng. Đây là dự án thủy lợi lớn, với đặc trưng dẫn nước không cần đập, có niên đại lâu nhất trên thế giới. Sự tài tình trong việc trị thủy của Lí Băng đã đem lại lợi ích cho người dân nơi đây trong suốt hơn 2200 năm qua, và hôm nay công trình vẫn đang phát huy tác dụng tuyệt vời. Đô Giang Yển là công trình thủy lợi tuyệt vời, xứng đáng là kiệt tác vĩ đại của văn minh nhân loại.
 
27. Hoản Nam Cổ thôn: Tây Đệ, Hoành Thôn

Tháng 11/2000, Hoản Nam Cổ thôn: Tây Đệ, Hoành Thôn được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Hoản Nam cổ thôn: Tây Đệ, Hoành thôn
Tây Đệ là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở thành phố Hoàng Sơn, nằm ở phía nam núi Hoàng Sơn. Theo ghi chép trong sách cổ, ông tổ của làng Tây Đệ là con trai của Lí Diệp - Đường Chiêu Tông. Do chính biến, phải lánh nạn trong dân, đổi họ Hồ, lập nghiệp và phát triển nơi đây. Tây Đệ từ xưa đã nổi tiếng với truyền thống hiếu học, tới thời Minh Thanh, một số người có học đã từ bỏ đèn sách đi làm ăn buôn bán và rất thành công. Họ đem tiền về xây dựng nhà cửa, đình chùa, đường sá, cầu cống... phát triển quê hương đàng hoàng, giàu đẹp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hơn một nửa các ngôi nhà cổ, đền chùa, thư viện, cổng tam quan đã bị phá hủy, nhưng hôm nay, hàng trăm ngôi nhà cổ vẫn được bảo tồn, lưu giữ diện mạo đặc trưng của một ngôi làng dưới thời Minh, Thanh.
Hoành thôn nằm ở phía tây bắc Y huyện. Các dãy nhà cổ soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng yên ả hút hồn du khách là nét nổi bật của cảnh quan nơi đây. Từ môi trường tự nhiên bên ngoài làng đến hệ thống thoát nước, đường sá, kiến trúc và thậm chí cả bố cục bên trong mỗi ngôi nhà đều giữ nguyên trạng thái ban đầu của ngôi làng cổ, không hề có bất cứ dấu ấn nào của nền văn minh hiện đại. Hoành Thôn với cách qui hoạch hết sức độc đáo cùng với phong cảnh nông thôn tuyệt đẹp, thường được gọi với cái tên “Ngôi làng trong tranh” của Trung Quốc.
 
28. Hang đá Vân Cương

Tháng 12/2001, Hang đá Vân Cương được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Tọa lạc tại thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, Hang đá Vân Cương với 252 hang động và hơn 51 ngàn bức tượng, được coi là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc hang động Phật giáo của Trung Quốc từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 6.  Trong số đó, Đàm Diệu Ngũ Quật, với thiết kế bài trí tinh tế và thống nhất cao, là kiệt tác kinh điển của giai đoạn đỉnh cao đầu tiên trong nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc.
 
29. Tam Giang Tịnh Lưu

Tháng 7/2003, Tam Giang Tịnh Lưu được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Cảnh quan thiên nhiên Tam Giang Tịnh Lưu nằm trong thung lũng dãy núi Hằng Đoạn, phía nam cao nguyên Thanh Tạng, phía tây nam tỉnh Vân Nam. Cảnh quan bao gồm 3 con sông (sông Nộ, sông Lan Thương, sông Kim Sa) và toàn bộ các dãy núi trong lưu vực, với tổng diện tích lên tới 41 ngàn km2. Là điểm giao của ba khu vực địa lí: Đông Á, Nam Á và Cao nguyên Thanh Tạng, nơi đây có địa hình núi cao ít gặp trên thế giới, là khu vực tiêu biểu cho sự phát triển của dạng địa hình này, đồng thời cũng một trong những khu vực có sự đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới. Tam Giang Tịnh Lưu có địa thế trải rộng trên các khu vực: Lệ Giang, Châu tự trị dân tộc Tạng Diqing, Châu tự trị dân tộc Lật Túc Nộ Giang, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bao gồm nhiều thung lũng, núi cao quanh năm tuyết phủ, sông băng, đầm lầy cao nguyên, đồng cỏ, hồ nước ngọt và nhiều động thực vật quý hiếm… Đây đồng thời cũng là nơi cư trú của 16 dân tộc của Trung Quốc, được coi là khu vực đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, đa phong tục hiếm gặp trên thế giới. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cũng như giá trị khoa học, thẩm mĩ và sự đa dạng về văn hóa các dân tộc thiểu số nơi đây khiến cho Tam Giang Tịnh Lưu luôn là điểm đến lí tưởng của các nhà khoa học, các nhà thám hiểm và du khách.
 
30. Kinh thành và lăng mộ Cao Câu Li

Tháng 7/2004, Kinh thành và lăng mộ Cao Câu Li được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Phần chính của di sản tọa lạc tại thành phố Tập An tỉnh Cát lâm và huyện Hằng Nhân, tỉnh Liêu Ninh. Kĩ thuật xây dựng tinh xảo, được đánh giá là hình mẫu của nghệ thuật xây dựng cùng thời; thành tựu nghệ thuật nổi bật, đặc biệt là các tác phẩm bích họa trong lăng mộ, thể hiện trình độ nghệ thuật siêu việt; ý nghĩa văn minh đặc biệt, với nhiều hiện vật quý giá phản ánh nền văn minh độc đáo của thời kỳ Cao Câu Li. Cao Câu Li là một chính quiền địa phương của người dân tộc thiểu số Trung Quốc, tồn tại trong khoảng 705 năm, vào thời Hán Đường. Vương triều Cao Câu Li đã tạo dựng một nền văn minh cổ đại huy hoàng và lưu lại cho hậu thế một di tích lịch sử  văn hóa phong phú.
 
31. Khu Thành cổ Ma Cao

Tháng 7/2005, Khu Thành cổ Ma Cao được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Khu Thành cổ Ma Cao là khu phố cổ với quần thể kiến trúc mang giá trị lịch sử cao, bao gồm hơn 20 tòa nhà cùng nhiều quảng trường lân cận như: Quảng trường miếu A-Ma, Quảng trường Apo, Quảng trường Senado, Quảng trường Cương Đỉnh, Quảng trường Nhà thờ, Quảng trường Tưởng niệm Dòng Tên, Quảng trường Chim bồ câu, ... cùng nhiều công trình kiến trúc như: Miếu A-Ma, Tòa nhà Cục Cảng vụ, Nhà tổ họ Trịnh, Nhà thờ thánh Lo-ren, Nhà thờ và Tu viện Thánh Ju-se, Nhà hát Cương Đỉnh, Thư viện Hà Đông, Nhà thờ Thánh Au-gus-ti-no, Tòa nhà Dân chính Thành phố, Hội quán Tam phố (Miếu Quan Đế), Nhân Từ Đường, Nhà thờ đạo Thiên chúa, Nhà tổ họ Lư, Hội trường Hoa hồng, Di chỉ nhà thờ Thánh Paul, Đền thờ Chúa, Di tích Tường Thành cổ, Pháo đài, Nhà thờ St. Anthony, Vườn Casa, Khu nghĩa đại Kitô giáo, Pháo đài Guia (bao gồm Ngọn hải đăng Guia và Đền thờ Trinh nữ).
 
32. Ân Khư

Tháng 7/2006, Ân Khư được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Ân Khư là tên gọi khác của di chỉ kinh đô nhà Thương tại An Dương Hà Nam, có diện tích 24 ki-lô mét vuông, nay thuộc làng Tiểu Đồn, phía tây bắc thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam. Di sản được xây dựng cách đây khoảng 3300 năm. Ân Khư được biết đến với vai trò là di chỉ kinh đô cuối cùng của đời nhà Thương Trung Quốc, đồng thời cũng là di chỉ đô thành cổ có khảo chứng về văn hiến sớm nhất và nguồn gốc của các khảo cổ học về Giáp cốt văn (chữ khắc trên xương thú và mai rùa) trong lịch sử Trung Quốc.
 
33. Khu bảo tồn Gấu trúc Tứ Xuyên

Tháng 7/2006, Khu bảo tồn Gấu trúc Tứ Xuyên được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Di sản Thiên nhiên Thế giới Khu bảo tồn Gấu trúc Tứ Xuyên bao gồm: Ngọa Long, Núi Tứ Cô Nương, Núi Giáp Kim, với tổng diện tích 9245 km2, trải dài trên 4 thành phố và 12 huyện trong đó có: Thành Đô, A ba, Nhã An và Cam Tư. Đây là nơi sinh sống của hơn 30% gấu trúc hoang dã trên thế giới, là khu bảo tồn gấu trúc lớn nhất và hoàn chỉnh nhất trên thế giới và là một trong những nơi có chủng loại thực vật phong phú nhất trên thế giới sau rừng nhiệt đới. Nơi đây được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế chọn là một trong 25 địa điểm tiêu biểu về đa dạng sinh học trên thế giới và được Tổ chức Bảo vệ Môi trường Toàn cầu xác định là một trong 200 khu sinh thái trên thế giới.
 
34. Địa hình Các-xtơ Nam Trung Quốc

Tháng 7/2006, tháng 6/2014, Địa hình Các-xtơ Nam Trung Quốc được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Địa hình Các-xtơ Nam Trung Quốc là tên gọi chung của các loại địa hình núi đá các-xtơ của Thạnh Lâm-Vân Nam, Lệ Ba- Quý Châu và Vũ Long- Trùng Khánh, được hình thành từ 50- 300 triệu năm trước, với tổng diện tích 1460 km2, trong đó diện tích vùng lõi là 480 km2 và diện tích vùng đệm là 980 km2. Năm 2014, Địa hình Các-xtơ Nam Trung Quốc mở rộng thêm tới các khu vực: Quế Lâm Quảng Tây, Núi Kim Phật Trùng Khánh, Hoàn Giang Quảng Tây và Thi Bỉnh Quý Châu.
 
35. Làng cổ Khai Bình Điêu Lâu

Tháng 6/2007, Làng cổ Khai Bình Điêu Lâu được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di sản Làng cổ Khai Bình Điêu Lâu, nằm ở thành phố Khai Bình, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là kiến trúc làng quê độc đáo của Trung Quốc. Nơi đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tòa tháp nhiều tầng mang phong cách đông tây, với các chức năng phòng vệ và nhà ở. Theo các tư liệu khảo chứng, Làng cổ Khai Bình Điêu Lâu xuất hiện muộn nhất vào cuối triều nhà Minh (thế kỷ 16). Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Khai Bình Điêu Lâu đã phát triển thành một hình ảnh kiến trúc độc đáo thể hiện lịch sử, hình thái xã hội và truyền thống văn hóa của người Hoa kiều ở Trung Quốc.
 
36. Quần thể Thổ Lâu tỉnh Phúc Kiến

Tháng 7/2008, Quần thể Thổ Lâu tỉnh Phúc Kiến được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Quần thể Thổ Lâu tỉnh Phúc Kiến phân bố chủ yếu ở quận Vĩnh Định, thành phố Long Nham và huyện Nam Thanh, Hoa An, thành phố Chương Châu, là quần thể kiến trúc dân cư miền núi độc đáo và kì lạ trên thế giới. Đây được coi là một công trình kiến trúc tuyệt vời của Trung Quốc cổ đại, có lịch sử lâu dài, phong cách độc đáo, qui mô lớn và kết cấu tinh xảo. Các tòa nhà có kiến trúc vuông và tròn. Văn hóa Thổ lâu bắt nguồn từ mối quan hệ đạo đức của phương Đông, là bằng chứng lịch sử và văn hóa truyền thống của các bộ lạc, thể hiện những thành tựu nghệ thuật kiến trúc với qui mô lớn độc đáo của thế giới, có "giá trị phổ biến và nổi bật toàn cầu". Bao gồm các nhóm Thổ Lâu: Sơ Khê, Hồng Khanh, Cao Bắc, Điền La Khanh, Hà Khanh và Đại Địa, và bốn tòa Thổ Lâu tiêu biểu: Diễn Hương Lâu, Chấn Phúc Lâu, Hoài Viễn Lâu và Hòa Quý Lâu.
 
37. Tam Thanh Sơn

Tháng 7/2008, Tam Thanh Sơn được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Tam Thanh Sơn nằm ở phía đông bắc Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Được mệnh danh là “Vùng đất may mắn” nhất trên thế giới, và là “Đỉnh núi tiên” số một của vùng Giang Nam. Tên gọi “Tam Thanh Sơn” bắt nguồn từ 3 đỉnh núi cao chọc trời nơi đây: Ngọc Kinh, Ngọc Hư và Ngọc Hoa, được ví như 3 cảnh giới cao nhất trong đạo giáo là: Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Tam Thanh Sơn với đặc trưng Đông hiểm Tây kì, Bắc tú Nam tuyệt, bốn mùa cảnh sắc tú lệ quyến rũ. Nơi đây có nhiều đỉnh núi hoa cương độc đáo, hình thù đa dạng, cộng thêm với thảm thực vật phong phú, cảnh quan kì thú, khí hậu đặc trưng…tất cả hòa quện với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên đa sắc, với hiệu ứng thẩm mĩ có một không hai.
 
38. Ngũ Đài Sơn

Tháng 6/2009, Ngũ Đài Sơn được công nhận là di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới.
Ngũ Đài Sơn nằm ở phía đông bắc của huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, được bao quanh bởi năm đỉnh núi các phía đông, nam, tây, bắc và trung bộ. Năm đỉnh núi cao, đỉnh bằng phẳng rộng lớn, giống như một đài cao, nên có tên gọi Ngũ Đài Sơn. Ngôi chùa trên Ngũ Đài Sơn được xây dựng vào thời Đông Hán Vĩnh Bình năm thứ 11 (năm 68 sau Công nguyên), cách đây gần 2000 năm, là ngôi chùa duy nhất tại Trung Quốc có sự kết hợp của Phật giáo Hán và Phật giáo Tây Tạng, được coi như hình ảnh thu nhỏ của Phật giáo Trung Quốc, là thánh địa Phật giáo nổi tiếng trên thế giới. Hiện nay, trên Ngũ Đài Sơn vẫn còn 47 kiến trúc đền chùa của bảy triều đại: Bắc Ngụy, Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh, trong đó còn lưu giữ nhiều bức tượng màu của 7 triều đại, các tác phẩm bích họa của 5 triều đại và công trình nghệ thuật kiến trúc cổ tiêu biểu.
 
39. Quần thể kiến trúc lịch sử "Thiên Địa Chi Trung" Trịnh Châu

Tháng 8/2010, Quần thể kiến trúc lịch sử "Thiên Địa Chi Trung" Trịnh Châu được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Quần thể kiến trúc lịch sử "Thiên Địa Chi Trung" Trịnh Châu nằm rải rác quanh thành phố Đăng Phong, Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc. Di sản bao gồm 8 khu với 11 công trình kiến trúc: Thiếu Lâm Tự (Khu sinh hoạt, khu đền miếu và rừng tháp), Đông Hán Tam Khuyết (Cung Thái Thất, Đền Thiểu Thất, Đền Khởi Mẫu) và Miếu Trung Nhạc, Tháp Tung Nhạc, Chùa Hội Thiện, Thư viện Tung Dương, Đài Thiên Văn, tồn tại và phát triển qua các triều đại Hán, Ngụy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Đây được coi là quần thể kiến trúc cổ đại có lịch sử lâu đời nhất, loại hình kiến trúc đa dạng nhất và có nội hàm văn hóa phong phú nhất ở Trung Quốc.
 
40. Địa mạo Đan Hà Trung Quốc

Tháng 8/2010, Địa mạo Đan Hà Trung Quốc được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Địa mạo Đan Hà là thuật ngữ chung để chỉ các cảnh quan địa mạo được hình thành từ sa thạch đỏ, do tác động nội lực (như tạo núi) và ngoại lực (như phong hóa và xói mòn). Sáu khu cảnh quan Đan Hà của Trung Quốc bao gồm: Lương Sơn (Hồ Nam), Đan Hà Sơn (Quảng Đông), Thái Ninh (Phúc Kiến), Xích Thủy (Quý Châu), Long Hổ Sơn (Giang Tây) và Giang Lang Sơn (Chiết Giang). Đặc điểm chung của các di sản này là những vách đá đỏ ngoạn mục và các dạng địa hình bị xói mòn, cảnh quan hùng vĩ, bao gồm các cột đá tự nhiên, tháp đá, khe suối, hẻm núi, thác nước...
 
41. Tây Hồ

            Tháng 6/2011, Tây Hồ được công nhận là di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới.
Tây Hồ Hàng Châu bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 9, tới thế kỷ 13 được hoàn thành và đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ 18. Cảnh quan nơi đây mang đậm triết lí “Thiên Nhân hợp nhất” thấm nhuần trong văn hóa lịch sử Trung Quốc, được coi là kiệt tác kinh điển nhất trong thiết kế cảnh quan Sơn Thủy, có sự kết hợp của văn học cổ điển, nghệ thuật hội họa và kĩ nghệ làm vườn của Trung Quốc.
 
42. Di chỉ Nguyên Thượng Đô

Tháng 6/2012, Di chỉ Nguyên Thượng Đô được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di chỉ Nguyên Thượng Đô nằm ở phía bắc sông Thiểm Điện, cách trung tâm thành phố Xilingol Leagu,khu tự trị Nội Mông khoảng 20 km về phía đông bắc, là di chỉ kinh đô của triều Nguyên, Trung Quốc. Đây là kinh đô trên thảo nguyên được xây dựng bởi dân tộc suốt đời gắn bó trên yên ngựa ở phía bắc Trung Quốc, đồng thời cũng được coi là một công trình có sự kết hợp tuyệt vời giữa văn hóa canh tác đồng bằng Trung nguyên với văn hóa du mục thảo nguyên. Các nhà sử học ca ngợi nơi đây như thành cổ Pompei (Italy) của Trung Quốc.
 
43. Di chỉ Hóa thạch Trừng Giang

Tháng 7/2012, Di chỉ Hóa thạch Trừng Giang được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Di chỉ hóa thạch Trừng Giang nằm gần núi Mạo Thiên, Trừng Giang, Vân Nam, Trung Quốc, là quần thể hoàn chỉnh của hóa thạch sinh vật cổ giai đoạn đầu kỉ địa chất Cambri. Nơi đây đã tái hiện cảnh quan sinh động của hệ sinh vật biển cách đây 530 triệu năm và các đặc điểm nguyên thủy của của sinh vật hiện đại, là bằng chứng quý giá cho việc nghiên cứu nguồn gốc, sự tiến hóa và hệ sinh thái của sự sống đầu tiên trên trái đất cách đây 53,7 triệu năm. Việc phát hiện Di chỉ Hóa thạch Trừng Giang, không chỉ cung cấp minh chứng khoa học cho sự tiến hóa đột ngột phi tuyến tính của sinh vật kỉ Cambri, mà còn đặt ra một thách thức lớn đối với Thuyết tiến hóa của Darwin. Tính tới năm 2012, nơi đây đã phát hiện ra hóa thạch của 16 loài và hơn 200 cá thể sinh vật.
44. Thiên Sơn Tân Cương

Tháng 6/2013, Thiên Sơn Tân Cương được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Di sản Thiên nhiên Thế giới Thiên Sơn Tân Cương bao gồm bốn khu vực: Đỉnh Bogda, Bayinbulak, Kala Jun-Kurdun và Tomur. Nằm trên sườn núi phía bắc của đỉnh Bogda, cách Urumqi 100 km về phía đông bắc. Hồ ở độ cao 1910 mét so với mực nước biển, chiều dài bắc nam 3,5 km, chiều rộng đông tây 0,8 - 1,5 km, vị trí sâu nhất 103 mét. Khu thắng cảnh Thiên Sơn với Hồ núi lửa xanh biếc, rừng cây ven hồ ngút ngàn và đỉnh núi tuyết phủ soi bóng mặt hồ… cảnh đẹp như tranh, là một khu nghỉ mát và điểm du lịch mùa hè nổi tiếng.
 
45. Ruộng bậc thang của người Hà Nhì tại Hồng Hà 

Tháng 6/2013, Ruộng bậc thang của người Hà Nhì được công nhận là Cảnh quan Văn hóa Thế giới.
Nằm ở phía nam của núi Ai Lao thuộc huyện Nguyên Dương, Vân Nam, Di sản ruộng bậc thang của người Hà Nhì là một kiệt tác do người Hà Nhì để lại qua bao thế hệ. Ruộng bậc thang của người Hà Nhì ở Nguyên Dương thay đổi theo địa hình của sườn núi. Với những sườn núi dốc ít, đất nhiều, ruộng bậc thang có xu hướng trải rộng; với những sườn dốc cao, đất ít, ruộng bậc thang thường có xu hướng nhỏ lại, ngay cả những khe đá bên suối cũng biến thành ruộng. Diện tích ruộng bậc thang lớn nhỏ khác nhau, thửa lớn có diện tích tới vài mẫu, thửa nhỏ có khi lại chỉ to bằng bàn tay, song thông thường trên mỗi sườn đồi có tới hàng ngàn mẫu ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang ở Nguyên Dương có qui mô hoành tráng, trải dài qua các huyện phía nam sông Hồng Hà bao gồm: Hồng Hà, Nguyên Dương, Lục Xuân, Kim Bình… Trong đó, chỉ riêng huyện Nguyên Dương đã có tới 170 ngàn mẫu ruộng bậc thang, được coi là khu vực trung tâm của hệ thống ruộng bậc thang của người Hà Nhì

46. Đại Vận Hà TQ

Tháng 6/2014, Đại Vận Hà được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Đại Vận Hà là công trình thủy lợi vĩ đại nằm trên vùng đồng bằng phía đông Trung Quốc, là kết tinh trí tuệ của người dân Trung Quốc cổ đại. Đây là con kênh đào dài nhất, sớm nhất và lớn nhất trên thế giới. Vào thời nhà Tùy, Đại Vận Hà có trung tâm ở Lạc Dương, phía nam bắt nguồn từ Hàng Châu, phía bắc tới Trác Quận (nay là Bắc Kinh). Với tổng chiều dài 2.700 km, trải dài trên 10 vĩ độ trái đất, chảy qua vùng duyên hải phía đông nam và đồng bằng Hoa Bắc màu mỡ của Trung Quốc, kết nối với 5 hệ thống sông chính: Hoàng Hà, Hoài Hà, Trường Giang, Tiền Đường và Hải Hà, được coi là huyết mạch giao thông chính theo hướng bắc nam của Trung Quốc cổ đại. Vào thời Nguyên, Đại Vận Hà được nạo vét nắn thẳng, tổng chiều dài giảm còn 1.794 km, đây cũng chính là kênh đào Kinh Hàng hiện nay. Dự án cũng bao gồm một kênh đào chảy ra biển, kênh Chiết Đông.
 
47. Con đường tơ lụa

Tháng 6/2014, Con đường Tơ lụa được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Con đường Tơ lụa được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới chung của ba quốc gia: Trung Quốc, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đây cũng là di sản xuyên quốc gia đầu tiên trên thế giới. Tổng chiều dài di sản là 5.000 km, trải trên khắp lục địa Á-Âu, từ Trường An đến khu vực Thất Hà Trung Á, đi qua 33 di sản ở ba quốc gia, trong đó có 22 di sản thuộc bốn tỉnh của Trung Quốc, bao gồm: nhiều cố đô, quần thể cung điện và đền chùa Phật giáo…

48. Di chỉ Thổ Tư

Tháng 7/2015, Di chỉ Thổ Tư được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di chỉ Thổ Tư nằm ở khu vực miên núi phía tây nam Trung Quốc, bao gồm hàng loạt lãnh địa của các bộ lạc. Thủ lĩnh các bộ lạc này được gọi là “Thổ Tư”, là người đứng đầu các bộ lạc trong suốt giai đoạn từ thế kỉ thứ 13 tới thế kỉ thứ 20. Chế độ Thổ Tư có nguồn gốc từ hệ thống chính trị vương triều tại các khu vực sinh sống của người dân tộc thiểu số từ thế kỉ thứ 3 trước công nguyên. Mục đích là duy trì chế độ quản lí tập trung của một nhà nước thống nhất, đồng thời cũng giữ gìn văn hóa phong tục tập quán trong sinh hoạt của người dân tộc thiểu số. Các địa danh như: Lão Tư Thành (Hồ Nam,) Đường Nhai (Hồ Bắc) và Long Hải Đồn (Quý Châu) hiện đều nằm trong di chỉ này. Nơi đây cũng là minh chứng cho một loại hình chế độ chính trị đặc thù của hai triều đại Nguyên, Minh trong lịch sử Trung Quốc.   
 
49. Quần thể Tranh khắc đá Hoa Sơn sông Tả

Tháng 7/2016, Quần thể Tranh khắc đá Hoa Sơn sông Tả được công nhận là Cảnh quan Văn hóa Thế giới.
Cảnh quan Văn hóa Quần thể Tranh khắc đá Hoa Sơn sông Tả tọa lạc tại Huyện Ninh Minh, Long Châu, Giang Châu và Phù Tùy, tỉnh Quảng Tây, bao gồm 3 khu vực tiêu biểu và nhiều tác phẩm khắc trên đá qui mô lớn, trong đó bao gồm 38 điểm với 107 nhóm tranh và 3816 hình vẽ. Quần thể tranh được khắc trên các vách đá và sườn núi trải dài suốt 105 km dọc theo sông Tả và sông Minh, tổng diện tích lên tới 61 ki-lô mét vuông. Di sản là cảnh quan độc đáo của nghệ thuật khắc đá, tái hiện đời sống tinh thần và cuộc sống xã hội của người dân Lạc Việt cổ dọc bên bờ sông Tả trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 5 tới thế kỉ thứ 2 TCN. Hình ảnh trống đồng và những yếu tố liên quan trong Quần thể tranh khắc đá có quan hệ mật thiết với văn hóa trống đồng nơi đây, được coi là minh chứng duy nhất cho sự phát triển văn hóa nơi đây.
 
50. Vườn quốc gia Thần Nông Giá Hồ Bắc

Tháng 7/2016, Vườn quốc gia Thần Nông Giá được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Thần Nông Giá, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có diện tích khoảng 733 km2, được chia thành hai khu vực: Khu núi Thần Nông (Ba Đông) phía tây và Khu núi Lão Quân phía đông. Nơi đây có 11 thảm thực vật, được coi là nơi có phổ rừng cây tự nhiên hoàn chỉnh nhất trên thế giới. Vườn quốc gia Thần Nông Giá là một trong ba trung tâm đặc hữu cây giống lớn nhất Trung Quốc. Đặc điểm địa lí đã tạo ra sự đa dạng sinh học, sinh thái cùng quá trình tiến hóa sinh vật độc đáo nơi đây. Vườn quốc gia Thần Nông Giá với sự đa dạng về hệ thống thực vật, đã góp phần làm phong phú thêm danh mục Di sản Thiên nhiên Thế giới. Nơi đây cũng là khu bảo tồn sinh thái quan trọng của số lượng lớn các loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, như: Voọc vàng Tứ Xuyên (chi Hồ Bắc), Báo vàng, Mèo vàng, Chó rừng, Gấu đen, Nai sừng tấm, Tỳ linh, Đại bàng vàng, Trĩ mào trắng đuôi dài và Cá nê, sinh vật lưỡng cư lớn nhất thế giới. Vườn quốc gia Thần Nông Giá luôn là địa điểm thu hút giới nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thực vật học. 
 
51. Hoh Xil Thanh Hải

Tháng 7/2017, Hoh Xil được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Nằm ở góc đông bắc của cao nguyên Thanh Tạng, Hoh Xil Thanh Hải được biết tới với tên gọi “Cực thứ ba của thế giới”, bao gồm các hệ thống núi cao và đồng cỏ qui mô lớn ở độ cao hơn 4500 mét. Hoh Xil là một vùng khí hậu cao nguyên lạnh lẽo, là môi trường tự nhiên độc đáo trên cao nguyên Thanh Tạng được hình thành từ những thay đổi địa chất liên tục trong thời gian dài. Nơi đây có hệ thống hồ dày đặc nhất trên cao nguyên Thanh Tạng, cùng các dạng địa hình bồn địa hồ, hồ núi cao vô cùng đa dạng và phong phú. Các điều kiện địa lý và khí hậu độc đáo của Hoh Xil tạo điều kiện thuận lợi cho sự đa dạng sinh học độc đáo nơi đây, Hoh Xil trở thành khu bảo tồn quan trọng của một số lượng lớn động thực vật đặc trưng trên cao nguyên. Hoh Xil là khu vực sinh sản chính của quần thể linh dương Tây Tạng đang bị đe dọa, giúp duy trì qui luật di cư của quần thể này.
 
52. Đảo Cổ Lang

Tháng 7/2017, Đảo Cổ Lang được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Đảo Cổ Lang Nằm ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, là nơi tái hiện sự tương tác và hội nhập của các giá trị khác nhau trong thời kì toàn cầu hóa giai đoạn đầu ở châu Á. Phong cách kiến trúc đặc trưng thể hiện sự giao thoa về kiến trúc, truyền thống, văn hóa giữa Trung Quốc với Đông Nam Á và Châu Âu. Sự pha trộn này là kết quả của sự đa dạng hóa về cộng đồng dân cư trên đảo, trong đó bao gồm người nước ngoài và người Hoa kiều, chính điều này đã hình thành một phong cách kiến trúc mới mẻ - Phong cách kiến trúc Hạ Môn. Phong cách này không chỉ phát triển ở Đảo Cổ Lang, mà còn ảnh hưởng đến khu vực ven biển Đông Nam Á và xa hơn nữa. Di sản Văn hóa Thế giới - Đảo Cổ Lang là khu vực bao gồm Đảo Cổ Lang và khu vực ven biển, với tổng diện tích khoảng 3 km2. Trên Đảo Cổ Lang, hiện còn 931 khu nhà lịch sử và vườn cảnh, mạng lưới đường sá và các khu cảnh quan thiên nhiên phong phú thuộc các thời kỳ khác nhau với các phong cách khác nhau, phản ánh sự hài hòa trong quan điểm sống của con người hiện đại với văn hóa truyền thống địa phương.
 
53. Phạn Tịnh Sơn - Trung Quốc

Tháng 7/2018, Phạn Tịnh Sơn được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Phạn Tịnh Sơn thuộc tỉnh Quý Châu Trung Quốc, là biến thể đá của địa hình các-xtơ trong lòng đại dương, được hình thành cách đây 2 - 65 triệu năm, với độ cao từ 500 – 2570 mét so với mực nước biển. Hệ động thực vật nơi đây vô cùng phong phú đa dạng, bao gồm cả loài Tuyết Tùng núi dạng dẻ quạt (còn được gọi là Tuyết Tùng Phạn Tịnh Sơn), Voọc lông vàng Quý Châu và nhiều loài thú quí hiếm khác như: Cá nê, Hươu xạ lùn, Trĩ rừng (Trĩ mào trắng đuôi dài)… Phạn Tịnh Sơn được coi là khu rừng nguyên sinh cận nhiệt đới lớn nhất tại Trung Quốc.   
 
54. Khu bảo tồn Chim di cư Hoàng Hải, Bột Hải Trung Quốc

Tháng 7/2019, Khu bảo tồn được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Khu bảo tồn Chim di cư Hoàng Hải, Bột Hải nằm ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Chủ yếu bao gồm các bãi lầy triều và các vùng đất ngập nước ven biển. Nơi đây có bãi lầy triều lớn nhất thế giới, các bãi bồi, đầm lầy nơi đây là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật trong đó bao gồm cá và động vật giáp xác, đây đồng thời cũng là điểm trung chuyển lí tưởng cho các loài chim di cư quí hiếm từ Đông Á và Châu Úc. Khu bảo tồn cũng là điểm thay lông và trú đông của hàng triệu loài chim di cư trên thế giới, cung cấp môi trường sống cho 23 loài chim quan trọng trên thế giới, trong đó có 17 loại nằm trong danh sách đỏ của Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới, bao gồm 1 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, 5 loài có nguy cơ tuyệt chủng và 5 loài dễ bị tổn thương.

55. Di chỉ Thành cổ Lương Chử

Tháng 7/2019, Di chỉ được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di chỉ Thành cổ Lương Chử (3300-2300 TCN) nằm ở đồng bằng duyên hải phía đông nam sông Trường Giang. Di chỉ phản ánh hình ảnh một quốc gia mang tính khu vực giai đoạn đầu với đặc trưng văn hóa lúa nước và tín ngưỡng đồng nhất vào thời kì đồ đá mới. Di chỉ bao gồm 4 khu: Khu di chỉ Dao Sơn, Khu đập cao Cốc Khẩu, Khu đập thấp Đồng bằng và Khu di chỉ Thành cổ. Từ các công trình kiến trúc bằng đất qui mô lớn, tới qui hoạch đô thị, hệ thống thủy lợi và hệ thống lăng mộ trong di chỉ có thể thấy được sự phân cấp trong xã hội thời bấy giờ. Di chỉ Thành cổ Lương Chử được coi là ví dụ điển hình về nền văn minh đô thị giai đoạn đầu.